- Tin tức
- Các Loại Bệnh Và Thuốc
- Nguyên nhân, triệu chứng viêm họng hạt và cách phòng ngừa
Nguyên nhân, triệu chứng viêm họng hạt và cách phòng ngừa
Viêm họng hạt là bệnh lý về đường hô hấp, thường xảy ra ở người trưởng thành và dễ phát nhiều lần. Vậy nguyên nhân gây bệnh do đâu, triệu chứng và cách phòng ngừa như thế nào?
Viêm họng hạt là căn bệnh phổ biến mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có nguy cơ mắc phải. Bệnh thường kéo dài, khó điều trị dứt điểm nếu không sớm nhận biết và có thể dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.
Viêm họng hạt là gì?
Viêm họng hạt là tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng hầu họng kéo dài (tái đi tái lại nhiều lần) khiến niêm mạc bị sưng đỏ, phù nề và có hiện tượng dày lên tạo thành các trụ giả. Các tế bào lympho có nhiệm vụ tiêu diệt vi sinh vật, vi khuẩn khi xâm nhập vào vùng họng phải làm việc quá mức. Từ đó dẫn đến sưng phồng của các mô lympho ở thành sau họng, hình thành các hạt nhỏ có màu hồng/đỏ, nổi cộm.
Kích thước của các hạt (hạch lympho) có thể chỉ nhỏ bằng đầu kim ghim hoặc to bằng hạt đậu, hạt ngô. Đặc điểm chung là đều khiến người bệnh có cảm giác đau rát, ngứa cổ họng và khó chịu, đặc biệt là khi nuốt.
Viêm họng hạt có thể đi kèm với một số bệnh lý về đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm mũi, viêm xoang,...Viêm họng hạt chủ yếu xảy ra ở người trưởng thành, thường kéo dài dai dẳng, khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát nhiều lần. Bệnh gây ra những bất tiện, khó khăn khi ăn uống, ảnh hưởng đến giao tiếp, cản trở công việc và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân viêm họng hạt
Vi khuẩn, virus và những loại nấm gây bệnh viêm họng hạt
Vi khuẩn, virus hay các loại nấm tấn công các tế bào lympho là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm họng hạt. Thời tiết thay đổi, sức đề kháng và hệ miễn dịch kém là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý này.
Ban đầu, virus sẽ phá hủy các thành tế bào niêm mạc họng trước rồi tới vi khuẩn và nấm xâm nhập, lây lan khắp niêm mạc họng và gây viêm nhiễm. Các lympho phải làm việc liên tục dẫn tới “quá tải” và không thể kháng nổi khiến lympho nở to dần và dẫn tới viêm họng hạt mãn tính.
Vệ sinh răng miệng không sạch
Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ hoặc chăm sóc răng miệng không đúng cách khiến các tác nhân gây hại xâm nhập và cư trú ngày càng nhiều ở khu vực hầu họng, dẫn đến viêm họng hạt. Ngoài ra, việc sử dụng bàn chải đánh răng thông thường không thể làm sạch tuyệt đối khoang miệng, lấy đi vi khuẩn, nấm và các mảng bám. Nha sĩ khuyên rằng bạn nên sử dụng máy tăm nước, vừa tăng hiệu quả làm sạch, vừa không gây trầy xước, tổn thương niêm mạc.
Viêm họng hạt do thói quen xấu
Những người nghiện rượu, thuốc lá, dùng nhiều đồ uống có cồn và chất kích thích, tăng nguy cơ tiếp xúc với chất gây dị ứng, gây tổn thương hầu họng trong thời gian dài và làm tăng nguy cơ bị viêm họng hạt. Nếu tình trạng này kéo dài còn dẫn đến nhiều bệnh lý liên quan khác.
Ngạt tắc mũi mãn tính
Các cơ quan hô hấp luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tình trạng ngạt tắc mũi kéo dài có thể khiến quá trình dẫn lưu mũi - xoang - họng bị gián đoạn khiến viêm họng kéo dài dai dẳng. Tổn thương họng quá lâu trở thành mãn tính và dẫn đến hiện tượng tăng sản nang lympho ở thành họng.
Viêm xoang mãn tính
Khi bị viêm xoang, các hốc xoang sẽ tiết ra lượng lớn dịch nhầy. Dịch chảy từ xoang xuống thành họng khiến niêm mạc họng bị bao phủ bởi một lớp chất nhầy. Chính điều này vô tình là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn trú ngụ và phát triển gây viêm họng thường xuyên. Viêm họng tái diễn nhiều lần sẽ hình thành các nốt trên thành họng với kích thước khác nhau.
Viêm amidan mạn tính
Viêm amidan thực chất là một dạng viêm họng khu trú tại tổ chức lympho ở thành sau họng. Đặc biệt với bệnh nhân cắt amidan, các tổ chức lympho thành sau họng phát triển để bù đắp lại phần đã bị cắt bỏ. Tình trạng lympho phát triển quá mức gây ra viêm họng hạt.
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản cũng là nguyên nhân viêm họng hạt mà ít ai biết đến. Dịch vị axit trong dạ dày sẽ trào ngược lên khoang miệng, làm giảm pH vùng họng, các niêm mạc bị tổn thương. Đồng thời tạo môi trường axit cho vi khuẩn xâm nhập và gây ra viêm nhiễm vùng họng.
Triệu chứng bệnh viêm họng hạt
Cổ họng đỏ ửng
Tình trạng viêm nhiễm vùng hầu họng kéo dài khiến các tế bào niêm mạc bị tổn thương, dẫn đến đỏ ửng. Cùng với đó là các hạt trắng nổi mẩn, nhô lên ở thành họng với các kích thước khác nhau.
Ngứa rát và khô họng
Đây là dấu hiệu xuất hiện hầu như ở tất cả trường hợp viêm họng hạt. Người bệnh luôn cảm thấy khó chịu và ngứa họng, cổ họng vướng víu như có dị vật cản ở họng, muốn khạc nhổ, khi nói chuyện phải hắng giọng. Chính vì khạc nhổ thường xuyên khiến cho các niêm mạc bị tổn thương, trầy xước dẫn đến họng khô rát, nhiễm trùng.
Đau họng
Triệu chứng viêm họng hạt này dễ bị nhầm lẫn với các bệnh liên quan khác như viêm họng cấp hay viêm amidan. Tuy nhiên mức độ đau họng khi bị viêm họng hạt nghiêm trọng hơn. Cơn đau kéo dài âm ỉ, đau ngay cả khi nuốt nước bọt, vô cùng bất tiện trong ăn uống, khiến người bệnh chán ăn, ăn kém, mất ngon, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ho khan, ho có đờm
Thời gian đầu khi bệnh mới khởi phát bạn sẽ chỉ thấy những cơn ho gió, ho khan thỉnh thoảng xuất hiện. Sau 1 - 2 ngày, tần suất và mức độ cơn ho tăng lên, ho kéo dài và chuyển sang ho có đờm. Cơn ho thường xuất hiện về đêm. Diễn tiến của bệnh chuyển từ ho khan sang ho có đờm phụ thuộc vào cơ địa và từng giai đoạn phát triển bệnh.
Vòm họng có các hạt li ti
Viêm họng hạt khiến thành họng bị đỏ và xuất hiện các hạt trắng, nhỏ như hạt đậu. Lúc này người bệnh đồng thời cũng bị viêm amidan mãn tính, tái phát nhiều lần. Điều này khiến các lympho biến đổi thành dạng các hạt nhỏ, khi nuốt nước bọt người bạn sẽ có cảm giác có gì đó gợn gợn ở thành họng.
Nổi hạch sưng đau ở cổ
Khi mắc viêm họng hạt, người bệnh thường nhận thấy hạch nổi lên ở cổ. Dấu hiệu này dễ dàng phát hiện khi sờ nắn ở vùng cổ, thấy xuất hiện cục cứng, sưng và đau. Ngoài ra còn có thể đi kèm với những cơn sốt và đau đầu.
Một số triệu chứng khác
- Nghẹn khi ăn uống, nuốt nước bọt
- Dễ buồn nôn do cổ họng quá nhạy cảm
- Hơi thở có mùi hôi
- Hắt hơi kèm sổ mũi
- Cơ thể mệt mỏi
- Mất ăn, mất ngủ, mất tiếng, thay đổi giọng nói
- Quan sát niêm mạc họng nhận thấy màn hầu, lưỡi gà có hiện tượng dày lên và đỏ hơn bình thường, eo họng bị thu hẹp đáng kể
- Niêm mạc cạnh trụ amidan có dấu hiệu dày lên và sưng nề tạo thành các trụ giả
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm họng hạt
Thực phẩm nên ăn
- Sử dụng thực phẩm mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như cháo, súp, canh,...để tránh thức ăn ma sát với cổ họng làm tổn thương thêm nghiêm trọng
- Uống đủ nước để cổ họng trơn tru, nhanh khỏi bệnh, có thể thay nước lọc bằng các loại nước ép trái cây, rất tốt cho sức khỏe
- Bổ sung vitamin và khoáng chất qua những thực phẩm lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi,...
- Sử dụng bổ sung các thực phẩm có tác dụng chống viêm, hỗ trợ điều trị bệnh như: gừng, mật ong, bạc hà, tía tô,...
Thực phẩm nên kiêng
- Tránh thực phẩm cay nóng, tẩm ướp nhiều gia vị cay như tiêu, ớt,...sẽ làm tình trạng sưng đau cổ họng tăng lên
- Hạn chế ăn đồ chiên rán, thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, chất béo vì có thể làm tăng tiết dịch nhầy vùng hầu họng
- Kiêng thực phẩm khô cứng như bánh mì, các loại hạt, ngũ cốc,...
- Không uống đồ uống lạnh, có đá, tránh ăn kem, chè,...vì sẽ khiến cổ họng sưng tấy. Thay vào đó bạn nên uống trà nóng hoặc nước ở nhiệt độ phòng
- Không sử dụng rượu bia, đồ uống có ga, có cồn và chất kích thích (như cafein) khi đi vào cơ thể thường khiến hệ miễn dịch suy yếu, khiến thời gian khỏi bệnh kéo dài hơn, ngoài ra còn khiến họng đau rát, khó chịu
- Tránh thực phẩm quá ngọt vì sẽ tăng tiết dịch tiết nhờn, làm cho cổ họng luôn có đờm và bệnh lâu khỏi
Phòng ngừa viêm họng hạt
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, nên súc miệng với nước muối sinh lý 2 - 3 lần/ngày để sát khuẩn, chống viêm
- Đeo khẩu trang để tránh tiếp xúc với dị nguyên như bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, lông thú,...
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, nên mặc thêm quần áo và quàng khăn khi trời lạnh
- Có chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại
- Tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và tránh thức khuya
- Với những người có sức đề kháng kém nên sử dụng TPCN bổ sung vitamin C, vitamin E và kẽm để nâng cao hệ miễn dịch và phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp
Lời kết: Qua bài viết trên bạn đã có được những thông tin cần thiết về bệnh viêm họng hạt. Nếu có các triệu chứng bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ để thăm khám và có biện pháp điều trị phù hợp, tránh biến chứng và những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
THAM VẤN Y KHOA: DƯỢC SĨ HÀ HẰNG

Ngô Hương
Bài viết liên quan
Bài viết mới nhất
-
Gợi ý TOP 10 gel bôi trơn gốc nước giúp cuộc yêu thăng hoa 10:43, 06/01/2025 Gel bôi trơn là một trong những sản phẩm hỗ trợ tình dục được các cặp...
-
TOP 10 sữa phát triển toàn diện cho bé được yêu thích hiện nay 09:00, 03/01/2025 Sữa phát triển toàn diện cho bé là gì? Vì sao mẹ nên lựa chọn các loại sữa...
-
Review TOP 10 sữa cho bé bị dị ứng đạm sữa bò bán chạy 10:11, 25/12/2024 Sữa cho bé dị ứng đạm bò là giải pháp hoàn hảo dành cho trẻ có cơ địa...
-
Hướng dẫn mẹ cách pha sữa Meiji thanh số 1 và số 9 cho bé 09:28, 24/12/2024 Sữa thanh Meiji là một trong những sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh...
Bài viết đọc nhiều nhất
-
Review men vi sinh Optibac Tím có tốt không? cách dùng hiệu quả 10:00, 21/01/2025 Men vi sinh Optibac tím giúp cân bằng môi trường âm đạo, phòng ngừa và hỗ trợ...
-
Review TOP 10 ngũ cốc cho bà bầu được chuyên gia khuyên dùng 09:00, 28/10/2024 Ngũ cốc cho bà bầu là thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, rất tốt cho phụ...
-
Cách sử dụng Serum The Ordinary Niacinamide 10% + Zinc 1% 15:00, 20/01/2024 Sử dụng Serum The Ordinary Niacinamide 10% + Zinc 1% đúng cách như thế nào để đạt...
-
Đường Glucose là gì? Có tốt không? Giá bao nhiêu và mua ở đâu? 14:20, 22/03/2024 Đường Glucose có thể sử dụng như một loại đường ăn bình thường để thay...